Khi mua ô tô mới, ngoài việc bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì hầu hết các chủ xe sẽ mua thêm bảo hiểm thân vỏ, đặc biệt với các bác tài mới biết lái thời gian ngắn. Bảo hiểm thân vỏ có nhiều mức giá khác nhau tùy theo từng loại xe và nhà cung cấp.
Những lưu ý khi mua bảo hiểm oto thân vỏ:
1. Tác dụng của bảo hiểm thân vỏ
Bảo hiểm thân vỏ tự nguyện hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại về xe trong trường hợp chủ xe tự gây ra những tổn thất không mong muốn mà không có tác động của bên thứ 3.
2. Khách hàng nào nên mua bảo hiểm thân vỏ
Những khách hàng mới sở hữu xe, chưa tự tin vào tay lái của mình thì tốt nhất nên mua thêm loại bảo hiểm này nhằm giảm bớt thiệt hại khi xảy ra vấn đề. Trong trường hợp chủ xe mua xe oto trả góp thì hầu hết các ngân hàng sẽ bắt buộc phải mua bảo hiểm thân vỏ, vì khi khách hàng chưa trả hết tức chiếc xe vẫn được khách thế chấp nên chính là tài sản của ngân hàng, ngân hàng buộc phải bảo hiểm cho tài sản của mình nhưng đang được người khác sử dụng; thực tế thì có nhiều chủ xe sau khi xảy ra tai nạn đã bỏ luôn xe và không sửa chữa.
3. Hình thức các gói bảo hiểm
Về cơ bản bảo hiểm thân vỏ sẽ mở rộng gói tùy theo nhu cầu của các chủ xe
Bảo hiểm cơ bản: đây là gói bảo hiểm thông dụng nhất, bảo vệ chủ xe trong các trường hợp hư hỏng, va chạm bên ngoài, máy móc.
Ngoài ra, chủ xe còn có thể mua thêm các gói bảo vệ kèm theo như: mất cắp bộ phận, thủy kích, ngập nước, cháy nổ,…
Bảo hiểm miễn thường: là giới hạn tổn thất mà tại đó công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm. Ví dụ khách hàng mua bảo hiểm với mức miễn thường là 1 triệu thì khi chủ xe mang xe đi sửa chữa, chi phí tổng thể là 3 triệu động, bảo hiểm sẽ chi trả 2 triệu còn lại khách chịu.
Bảo hiểm toàn bộ: khách hàng sẽ được chi trả toàn bộ chi phí hư hỏng, sửa chữa từ thân vỏ đến máy móc. Khi tham gia gói này khách hàng còn được chi trả chi phí đi lại trong thời gian xe nằm xưởng, mức chi phí cho gói này thường rất cao.
4. Mức phí bảo hiểm
Số tiền chủ xe phải chi trả phụ thuộc vào gói bảo hiểm mà họ lựa chọn, loại xe cũ hay mới và tỷ lệ bồi hoàn định mức của xe.
Phí bảo hiểm được tính theo công thức: giá xuất hóa đơn x hệ số tính bảo hiểm.
Bảng tham khảo mức phí bảo hiểm của các dòng xe, giả sử đều là xe mới 2020 với hệ số bảo hiểm là 1.5%
Dòng xe | Giá xe (triệu đồng) | Mức phí bảo hiểm (triệu đồng) |
Hyundai Grand i10 | 375 | 5.6 |
Honda City | 559 | 8.3 |
Mitsubishi Xpander | 615 | 9.2 |
Mazda CX-5 | 898 | 13.5 |
Toyota Camry | 1.220 | 18.3 |
Mercedes GLC 300 | 2.459 | 36.8 |
BMW 740Li | 6.200 | 93 |
Land Rover Range Rover LWB | 12.000 | 180 |
Rolls-Royce Cullinan | 46.000 | 690 |
(Đơn vị: triệu đồng. Giá xe, hệ số bảo hiểm có tính tương đối, các mẫu xe cũ sẽ có định giá giảm theo năm nhưng hệ số lại cao lên).
5. Quy trình yêu cầu bảo hiểm bồi thường
Khi xảy ra sự cố, chủ xe cần giữ nguyên hiện trường và gọi cho bên bảo hiểm hỗ trợ, trong trường hợp không được hỗ trợ kịp thời chủ xe có thể chụp ảnh hiện trường, nếu nặng có thể gọi cho công an khu vực lập biên bản làm hồ sơ pháp lý gửi lại cho bên bảo hiểm nhằm phục vụ công tác thẩm định và chi trả bảo hiểm.
6. Bất cập trong quản lý bảo hiểm
Việc quản lý bảo hiểm quá lỏng lẻo dẫn đến nhiều bất cập như: bên mua có thể trục lợi bảo hiểm nhờ khai báo thông tin không đúng, hoặc ngược lại khách hàng sẽ chịu thiệt thòi khi chưa hiểu đúng hoặc không xem kỹ hướng dẫn trong quá trình khai báo nên không được nhận mức đền bù tối đa.